Phần 3 - Một cái kết có hậu

Thảo luận trong 'Lịch sử, truyền thống, hồi ký' bắt đầu bởi Chu Chò, 18/5/19.

  1. Chu Chò

    Chu Chò Member


    …Hôm ấy chúng tôi đang làm công việc như thường ngày. Khoảng hơn 9 giờ sáng, bỗng một tiếng nổ lớn phát ra từ bên ngoài làm tất cả giật nẩy mình. Cửa kính rung bần bật. Mọi người đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì bỗng có ai đó kêu thất thanh :" thôi chết ! cabin nổ rồi " ! Không ai bảo ai, tất cả cùng lao ra phía cửa sổ giữa 2 khối nhà vì đang là mùa đông nên bị đóng kín. Ai cũng nghĩ khối tự hủy đã phát nổ. Khi cạy được cửa, chúng tôi chen nhau nhòm xuống dưới sân chỗ đặt chiếc buồng lái F111, thấy nó bị lật nghiêng hẳn sang một bên và từ dưới gầm … lóp ngóp chui ra mấy anh em trong tổ đo đạc cabin, mặt mày tái mét, quần áo lấm lem. Mãi một lúc sau sự việc mới được sáng tỏ. té ra là trong lúc làm việc như thường ngày, một ai đó trong nhóm đã táy máy chọc đúng phải bộ khởi động phao cứu hộ. Cái này trong lúc khẩn cấp cũng được kích hoạt bằng một cơ cấu nổ, khiến phao cứu hộ được phồng lên tức thì, đẩy cabin nghiêng hẳn sang 1 phía. Mọi người tràn xuống sân hỏi han các nạn nhân : “ Cứ tưởng chúng mày thành liệt sĩ hết rồi ”.

    a5.jpg
    Tổ dân quân trực chiến 14,5 ly nhà máy Cơ khí
    Mai Động đơn vị bắn rơi F111 tại hà Nội 12.1972 .

    Sau 3 tháng miệt mài làm việc, chúng tôi kết thúc kết thúc thắng lợi đợt nghiên cứu. Hôm báo cáo tổng kết, rất đông lãnh đạo và các quan khách tề tựu tại phòng họp lớn. Các hình vẽ sơ đồ giăng hàng phía trên. Các khối máy móc gỡ từ buồng lái được xếp rất trật tự trên các dãy bàn trước mặt. Đại úy Liêu trong bộ đại cán thẳng nếp, thay mặt toàn thể anh em nghiên cứu trình bày báo cáo kết quả. Đủ cả sơ đồ khối, sơ đồ chức năng và sơ đồ nguyên lý các khối. Với biệt tài trình bày, bản báo cáo của anh Liêu đã được đánh giá cao và tất nhiên như ở ta thường nói cũng là thành tích chung của tập thể, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chỉ đạo đứng đắn kịp thời của v.v

    Rồi thì ngày chia tay với cái buồng lái đã đến. không ồn ào như đưa cô dâu về nhà chồng. Chúng tôi cũng có đôi chút bịn rịn vì dù sao đã quấn quít với nó dăm tháng nay. Vậy thì chú rể là ai ?

    Cuối cùng được biết là phía ta sẽ trao cho chính phủ Liên Xô món đồ quý giá này, bí mật đấy nhé! Điều này theo tôi là xác đáng. Liên Xô là nước có đủ các điều kiện vật chất kỹ thuật để khai thác hiệu quả nhất thiết bị này. Liên xô cũng là nước đã viện trợ cho Việt nam các vũ khí tối tân nhất thời đó như: máy bay phản lực tiêm kích MIG 21, tên lửa phòng không có điều khiển SAM 2, SAM 3. Những thứ đó đóng vai trò rất quan trong trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đứng trên quan điểm Quốc tế vô sản ngày đó phải là như vậy, nhưng nếu đứng trên lập trường dân tộc thì tất nhiên có người không hài lòng. Vì vậy hôm chuyển chiếc cabin đi được tiến hành rất “ hình sự ” , không có mit ting kèn trống gì hết. Một buổi chiều, vào lúc mọi người ít để ý nhất, một chiếc xe tải quân sự loại nhẹ GAZ- 51, có 4 chú lính Nga to như con gấu, mặc thường phục đứng lênh khênh ở trên (trông dễ lẫn với các công nhân xây dựng Cu Ba hồi đó đang xây khách sạn Thắng Lợi ở Hà Nội) lặng lẽ bò vào từ phía cổng ngách. Chúng tôi không ai bảo ai, đều tề tựu đông đủ ở góc sân. Các chú Nga nhảy xuống, mỗi chú một góc túm vào và hấp một cái ! nhẹ nhàng nhấc bổng chiếc buồng lái đặt lên thùng xe. Kinh thật, vậy mà lúc trước chúng tôi đã phải dùng cần cẩu để hạ xuống. Sau đó hai bên chỉ chào nhau lấy lệ, mấy cậu học ở Liên Xô tranh thủ chạy ra buôn chuyện, lại còn dọa dẫm: “ này, đừng có đi về theo lối Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu mà Đại sứ quán Trung quốc nó thấy thì ốm đòn “ . Tất nhiên là họ khôn chán, mà việc cảnh báo này cũng không phải không có cơ sở là vì:

    Đại sứ quán Trung Quốc ở cuối đường Hoàng Diệu, Đại sứ quán Liên Xô ở cuối đường Trần Phú. Hai đường này vuông góc với nhau , cổng hai ĐSQ cách nhau vài trăm thước. Ngày xưa yên ấm, ta chọn cho 2 ông anh đặt SQ ở hai phố vào loại đẹp nhất Hà Nội và gần sát nhau. Đến khi ghét nhau lại thành bất tiện vô cùng. Hồi đó hàng không chưa phát triển, từ Việt Nam sang Châu Âu toàn phải đi tầu hỏa qua ngả Bằng Tường ( Lạng Sơn), từ nam lên bắc qua đất Trung Hoa, xuyên Siberi đến Matxcova, rồi từ đó tỏa đi khắp Liên Bang Xô Viết và các nước Đông Âu. Bạn nào xem phim “ký sự hỏa xa” mới đây thì sẽ rõ. Trong suốt thời chiến tranh, đây là con đường vận tải vũ khí, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm duy nhất của các nước thuộc khối XHCN tiếp tế cho Việt Nam và chở hàng chục vạn cán bộ và lưu học sinh ta sang Liên Xô, Trung quốc và các nước khác trong khối học tập , đào tạo. Vậy mới sinh chuyện thế này.

    a6.jpg
    Tên lửa SAM 2 rời bệ phóng.

    Vào khoảng hè năm 1968, một tốp cán bộ Liên Xô về nước phải đi từ ĐSQ Liên Xô sang ĐSQ Trung Quốc làm thủ tục thị thực quá cảnh. Mọi việc diễn ra êm đẹp cho đến khi xong việc, ô tô của họ vừa ra khỏi cổng sứ quán, chưa kịp ngoặt sang đường Hoàng Diệu. Bỗng nhiên ở đâu túa ra vài chục nhân viên sứ quán TQ như đã phục kích sẵn, chặn đứng và vây kín xung quanh chiếc xe Volga của Liên Xô, khoảng độ 15 phút thì vòng trong vòng ngoài đã lên đến khoảng hai trăm người. Chuyện xẩy ra từ lúc 1 giờ chiều vậy mà khi tôi tình cờ đi chơi qua là hơn 3 giờ mà đám đông vẫn vây kín. Tất cả các nhân viên Sứ quán TQ đều mặc sơ mi trắng. Nắm tay nhau hát rất đều và to các bài nhạc Cách mạng Văn hóa TQ như: "Đông phương hồng", "Qua biển cả nhờ tay lái vững", "Công xã là hoa hướng dương" …Hết một đợt hát lại có người nhẩy ra cầm càng hô khẩu hiệu : Đả đảo xét lại Liên Xô, đả đảo gián điệp liên Xô, Đả đảo Đế quốc Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam chống xâm lược … Chiếc xe du lịch Volga đen của Liên xô nằm bẹp ở giữa cổng chính của sứ quán, cửa sổ kéo kín mít. Những người ở trong xe mồ hôi đầm đìa và ngột thở vì nóng. Đám đông hết đả đảo lại quay sang hát rất hùng tráng. Dân việt bu lại xung quanh càng ngày càng đông, kiễng chân nghển cổ xem. Tôi trông thấy thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, quần áo xộc xệch, chen ra chen vào ở trong đám đông để dàn xếp. Mãi đến 5h chiều mới giải tán được đám đông. Nguyên nhân của vụ ấy sau này được biết: phía TQ đổ cho là sứ quán LX cử người vào ĐSQ TQ chụp ảnh để cho máy bay Mỹ ném bom sứ quán của họ, còn sự thật thế nào chỉ có trời biết.

    Về sau phía ta đã phải dàn xếp thế nào với Trung Quốc cho yên chuyện " Cabin máy bay F111 "chúng tôi cũng không rõ. Đội công tác của chúng tôi cũng giải tán. Tôi phải chia tay anh em bạn bè, trở về đơn vị tại Vĩnh Phúc, chấm dứt chuỗi ngày thú vị ở Hà Nội. Những gì chúng tôi làm được sau này chẳng thấy ai nhắc đến nữa .

    HẾT
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/5/19
    tranthuthuy thích bài này.

Chia sẻ trang này