Hệ thống chiếu sáng sân vận động Hà nội - Phần 1. Cơ duyên

Thảo luận trong 'Lịch sử, truyền thống, hồi ký' bắt đầu bởi Chu Chò, 18/4/19.

  1. Chu Chò

    Chu Chò Member

    Phần 1. Cơ duyên

    Câu chuyện bắt đầu từ một “Scandal” khá đình đám thời ấy.

    Số là vào những ngày hè tháng 4 năm 1996, nhân chuyến thi đấu tại 3 nước châu Á gồm Hong Kong, Thái Lan và Singapore. Đội Juventus, trong đội hình có những anh tài như Gianluca Viali, Conte, Pessotto, Rampulla, Lombardo do HLV Marcelo Lippi dẫn dắt, đã ghé qua Việt nam và có một trận giao hữu duy nhất với đội tuyển VN tại sân vận động Hà Nội ( còn gọi là sân Hàng Đẫy). Còn phải nói người hâm mộ việt nam khi ấy đã phấn khích đến nhường nào. Dù cho giá vé “ cắt cổ” lên đến 150-200.000 đồng ” (thời điểm 1996) và trời về cuối đổ mưa to nhưng vẫn có ngót 2 vạn khán giả háo hức đến sân để xem tận mắt những thần tượng vốn chỉ thấy trên màn hình TV, ngóng tìm một cái vẫy tay của Vialli hay một nụ cười hào hoa kiểu tài tử của “Gã đầu bạc” Marcelo Lippi.


    Mẫu ảnh 2.jpg


    Vậy mà bắt đầu từ đầu hiệp 2, trời bắt ngày càng trở nên xám xịt. Các cầu thủ đội ta và khách quần nhau trong bóng chiều nhập nhoạng, tiếng hò reo cổ vũ của đám khán giả hâm mộ hết rộ lên ở góc sân này lại trào lên ở góc sân khác. Có nhiều tiếng hét từ phía khán đài B : “ Bật đèn lê…ên! bật đèn lê…ên ! và cũng chính vào lúc đó đám đông mới nhận thấy trên sân vân động Hà nội không có đèn. Nói chính xác là dàn đèn đã hỏng từ lâu, đèn đã được tháo đi , chỉ còn lại 4 cột đứng trơ vơ 4 góc. Càng về cuối trời càng tối, dưới sân các cầu thủ đội khách áo sọc và đội nhà quần nhau trên mặt sân nhá nhem, cảm tưởng như không còn nhìn thấy bóng đâu. Gió mạnh thổi vù vù tê tái. Không khí trên sân trầm hẳn xuống. Không biết các cầu thủ Juventus nghĩ gì chứ có lẽ rất nhiều khán giả trên sân và trước màn ảnh TV hôm ấy đều cảm thấy xấu hổ cho thể diện quốc gia. Ai đời lại đi đón một đội bóng lừng danh thế giới, lần đầu tiên đến Việt nam, trong tình trạng ê chề dở khóc dở cười như vậy.

    Sau khi xẩy ra việc trên , nghe nói thủ tướng đương nhiệm lúc đó là ông Võ Văn Kiệt đã nổi một trận lôi đình, chỉ thị cho UBND Hà nội phải ngay lập tức phải lắp đặt dàn đèn cho sân vận động Hà Nội. Biết được tin này sớm nhất lại là tình báo của Philips. Họ liền đến văn phòng AIC khi đó đang ở tại 14e phố Lý Nam Đế, đề nghị hỗ trợ họ tham gia cung cấp hệ thống chiếu sáng cho SVĐ.

    Mẫu ảnh 3.jpg
    Văn phòng dự án đặt tại phố Trịnh Hoài Đức

    Mẫu ảnh 4.jpg

    Sân vận động Hà Nội

    Người đầu tiên anh em ta tiếp xúc là anh Lai. phụ trách ban quản lý dự án. Văn phòng làm việc của BQL chiếm ngay 1 căn trong dãy kios về phía sân bóng trên đường Trịnh Hoài Đức ( phía bên kia là trụ sở TDTT Hà nội). Thật là tiện, qua tiếp xúc được biết đã có vài đơn vị tham gia tìm hiểu dự án: Hapulico, công ty TNHH Thái Sơn gì đó từ Đà Nẵng và 1 công ty của Malayxia tên là Krisnaco. Sau khi nhận được một số hồ sơ tại liệu về sân bóng và các yêu cầu phía Việt Nam đặt ra. Các bạn Philips bay về Sing và ngay tuần sau quay lại với phương án thiết kế sơ bộ cho sân vận động. Vừa qua họ đã làm một vài công trình tương tự ở các nước trong khu vực nên việc hoàn thiện hồ sơ không có gì là khó khăn.

    Về nguyên tắc , hệ thống chiếu sáng sân sẽ gồm 3 phần chính:

    - Cột và dàn đèn chiếu sáng sân bóng, đảm bảo chiếu sáng sân theo tiêu chuẩn quốc tế do FIFA quy định như 1500 lux tại điểm phát bóng ( kick off ) tại vùng cấm địa và khung thành là 1200 lux. Các chỉ tiêu về độ đồng đều ánh sáng mặt sân, độ chói. Các điều kiện đảm bảo về tháo lắp, thay thế, bảo dưỡng v.v…
    - Hệ thống chiếu sáng khán đài và các phòng chức năng, khu vực phụ trợ. Hệ thống chiếu sáng khẩn cấp.
    - Hệ thống cung cấp điện lưới và mạng điện dự phòng, máy nổ. Hệ thống chuyển mạch tự động.

    Các nhà thầu chọn phương án chào sao cho đảm bảo các chỉ tiêu trên. Ví dụ có thể đề xuất phương án cột, dàn đèn, độ cao cột khác nhau, không quy định cứng nhắc.

    Những sân vận động có mái ( như sân “tổ chim ” Olympic Beijing), người ta có thể bố trí đèn dọc theo viền mái, như vậy độ sáng trên sân sẽ rất đều. Loại này chỉ thích hợp với các sân lớn, có mái cao. Mái sân Hà Nội rất thấp, nếu lắp đèn kiểu này độ chói không đảm bảo.

    Mẫu ảnh 5.jpg

    Sân vận động Olympic Bird nest Bắc Kinh

    Mẫu ảnh 6.jpg
    Sân vân động quốc gia Singapore

    Nếu dùng cột cố định dạng ống, thậm trí bên trong ống có thể bố trí thang máy để công nhân có thể di chuyển như tại sân vận động Quốc gia Singapore. Loại này giá thành khá cao và tốn diện tích móng

    Cột đèn trước kia của SVĐ Hà Nội cao 32m. Có dạng khung dằng như cột điện cao thế , loại cột kiểu này bây giờ không đâu sử dụng nữa. Sân vận động Hàng Đẫy xung quanh lại bị lấp kín bởi phố xá và nhà dân nên diện tích dành cho xây cột đèn rất hạn hẹp.

    Liên danh Philips-AIC quyết định chọn 1 giải pháp độc đáo. Đó là xử dụng cột thép nâng hạ tự động bằng động cơ thủy lực có chiều cao 48m của hãng LYCORDPOL(Australia), sản xuất tại nhà máy đặt ở Malayxia. Phương án này có 3 ưu điểm nổi bật là: Kích thước cột rất gọn nhỏ, ít tốn diện tích, giá thành hợp lý, dễ bảo hành bảo trì, cho phép khi tháo lắp hoặc thay đèn, có thể điều khiển cột nâng hạ, hoặc ngả nằm ra mặt sân nhờ động cơ thủy lực tích hợp trên đế cột.


    Mẫu ảnh 7.jpg
    Cửa hàng thiết bị chiếu sáng Philips tại 36 Lý Nam Đế

    Sau khi thống nhất phương án kỹ thuật. Ban chuẩn bị hồ sơ thầu gồm 2 nhóm được thành lập. Nhóm Singapore gồm các đồng nghiệp thuộc Philips Lighting Singapore do Mr Peter Wang chỉ huy và nhóm Hà Nội gồm : Anh Tuấn, anh Tiến, anh Mạnh Cường phụ trách triển khai, Mis. Thanh Hương phụ trách cửa hàng thiết bị chiếu sáng Philips, Mis. Vân Hà nhân viên văn phòng đại diện Philips và một số bạn khác. Văn phòng dự án đặt tại nhà số 36 Lý Nam Đế.

    ( Xem tiếp phần 2)


     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 27/4/19
    Nhungnt thích bài này.

Chia sẻ trang này